Văn hóa Kỷ_(nước)

Nước Kỷ tuy nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa khá quan trọng, do người nước Kỷ là hậu duệ của vương thất nhà Hạ nên họ còn duy trì lễ nghĩa của nhà Hạ. Khổng Tử khi khảo sát lễ nghĩa nhà Hạ từng tới nước Kỷ. Do phần lớn văn hiến nước Kỷ đã mất mát, thất truyền nên Khổng Tử từng cảm khái mà nói rằng: "Hạ lễ ngô năng ngôn chi, Kỷ bất túc trưng dã" (Lễ nghĩa của Hạ theo lời của tôi thì nước Kỷ chẳng đủ để làm chứng)[6].

Trong dân gian còn lưu truyền câu ngụ ngôn liên quan tới nước Kỷ[7] gọi là "Kỷ nhân ưu thiên" (người đất Kỷ lo trời [sập]), đại ý chế nhạo sự lo âu vô vị và không cần thiết của người nước Kỷ về khả năng bầu trời sụp xuống đầu của họ, nhưng có những người lại cho rằng do nước Kỷ phải trải qua nhiều phen lo âu hoạn nạn mà tạo thành ý thức lo âu buồn phiền của người nước này.

Các chứng cứ khảo cổ về nước Kỷ không nhiều nhưng sự tồn tại của nước Kỷ từ thời Thương có thể được chứng thực bằng các giáp cốt văn thời kỳ Ân-Thương. Tổng cộng chỉ có 6 mảnh giáp cốt văn Ân Khư đề cập tới Kỷ hầu hoặc đất Kỷ, có thể coi là chứng cứ cho thấy nước Kỷ đã tồn tại từ thời nhà Thương. Tại huyện Kỷ trước đây từng có miếu Đông Lâu Công do người đời sau xây dựng để cúng tế vị khai quốc nước Kỷ là Đông Lâu công, nhưng đã bị phá hủy vào năm 1949. Tại Tân Thái, trong thời Đạo QuangQuang Tự của nhà Thanh, người ta từng khai quật được một nhóm các cổ vật bằng đồng với dòng chữ "kỷ bá mỗi vong tác chu tào bảo đỉnh, kì vạn niên mi thọ, tử tử tôn tôn vĩnh bảo dụng hưởng" được làm ra từ thời Kỷ bá Mỗi Vong. Năm 2002, tại Chu Gia Trang ở huyện Tân Thái người ta lại phát hiện ra một quần thể mộ táng của quý tộc nước Kỷ, minh chứng rằng Tân Thái từng là vùng đất của nước Kỷ. Ngoài ra, năm 1962, một cửa hiệu đồ cổ tại Vũ Hán từng thu mua được một chiếc quỹ (bát đựng đồ ăn) thời Kỷ bá Mỗi Vong. Năm 1966, tại Đằng Châu, Sơn Đông, người ta cũng đã khai quật được một chiếc đỉnh (vạc) cũng thuộc thời kỳ Mỗi Vong.